Lập nghiệp khi đã về hưu
Nghệ nhân Vũ Duy Thuấn sinh ra và lớn lên tại xã Tống Xá, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Nơi đây có nghề đúc đồng truyền thống, đã được các thế hệ trước ông gìn giữ, bảo tồn. Năm 1975, ông tham gia quân ngũ và được đào tạo 2 năm tại Trường Trung cấp Kỹ thuật Quân khí và Trường Sỹ quan Hậu cần quân đội. Năm 1981, ông xây dựng gia đình, bố vợ ông là thợ giỏi có tiếng tại xã nghề. “Mỗi lần nghỉ phép tôi đều đi theo bố vợ đúc các thiết bị, chi tiết máy cho các hầm mỏ của nhà nước. Tình yêu và kỹ năng nghề nhờ đó cũng lớn dần theo năm tháng”, ông Thuấn vui vẻ kể.
Về hưu năm 1996, với thương tật xếp hạng 4/4 nhưng ông không khoanh tay ngồi yên. Tình yêu với nghề truyền thống của quê hương vẫn âm ỉ cháy, ông đã quay lại với nghề đúc đồng - một nghề đầy vất vả. Sau nhiều năm bươn trải, đến năm 2000 doanh nghiệp tư nhân Thuấn Dung do ông làm chủ ra đời và dần tự khẳng định mình.
Bức tượng đài Phật tổ Thích ca cao 6,5m, nặng 30 tấn được đặt tại chùa Non, Sóc Sơn, Hà Nội là sản phẩm đầu tay đánh dấu bước ngoặt mới về hình thức đúc liền khối bằng đồng đỏ đầu tiên của ông. Sản phẩm được Hội đồng khoa học thành phố Hà Nội đánh giá đạt chất lượng cao, tính kết cấu bền vững, đạt yêu cầu về mỹ thuật và kỹ thuật.
Thành công rực rỡ ban đầu đã giúp nghệ nhân Vũ Duy Thuấn tiếp tục mạnh tay chế tác những sản phẩm nổi tiếng khác, như: Tượng đài Thánh Gióng bằng chất liệu đồng đỏ, cao 14,7m, nặng 90 tấn; cụm tượng đài Bác Hồ với Chiến dịch Đông Khê năm 1950 cao 5m, nặng 16 tấn; tượng phật Tam Thế cao 7,11m, rộng 5,35m, nặng 50 tấn…
Ông chia sẻ, ngày xưa ông cha ta chỉ đúc sản phẩm nhỏ, như: Tượng, lư đồng, chuông đỉnh ở các di tích văn hóa chùa chiền có trọng lượng từ 300-500kg. Ngày nay, không chỉ tôi mà người thợ Tống Xá đã biết kết hợp giữa bí quyết nghề truyền thống với máy móc thiết bị nên đã đúc được những sản phẩm cao, trọng lượng lớn, đặc biệt là những tác phẩm đứng ở tư thế bay lên trời nghiêng 49 độ.
Kỹ thuật đúc đồng truyền thống rất phức tạp, cơ bản gồm các công đoạn: Làm khuôn, nấu đồng, rót đồng vào khuôn tất cả phải tỉ mỉ, sản phẩm sau khi được hoàn thiện phải giữ được thần, khí. Điều đó đòi hỏi nghệ nhân phải có năng khiếu về cả hội họa tạo hình, điêu khắc với kỹ năng nghề nghiệp cao. Việc làm nhẵn, bóng bề mặt và làm mầu cho sản phẩm để bảo quản thời gian dài cũng phải được dựa trên những bí quyết, kinh nghiệm được truyền từ đời này sang đời khác.
Truyền đam mê cho lớp trẻ
Sở hữu những “tuyệt chiêu” trong nghề, kết hợp với tư duy nhạy bén, nghệ nhân Vũ Duy Thuấn đã đưa doanh nghiệp tư nhân Thuấn Dung đứng trong top đầu những doanh nghiệp lớn tại xã nghề Tống Xá. Tuy nhiên, điều chúng tôi cảm phục là tinh thần vô tư, sẵn sàng dạy mọi thứ mình biết cho lớp thợ trẻ. Ông nói: “Dạy được một người thợ là thêm một người giữ nghề cho làng, làm giàu cho quê hương”. Dưới sự dìu dắt của nghệ nhân không ít thợ trẻ của Tống Xá đã chắc tay nghề. Ông cũng là người sẵn sàng chịu thiệt khi nhận dạy nghề, giúp tiêu thụ sản phẩm ban đầu cho những học sinh “đặc biệt” như: Bộ đội về hưu hay về mất sức, cựu chiến binh, trẻ em nghèo…
Với dày công đóng góp cho phát triển nghề đúc đồng truyền thống và đào tạo lớp thợ trẻ, nghệ nhân Vũ Duy thuấn đã nhận được nhiều bằng khen và giải thưởng, như: Nghệ nhân Bàn tay Vàng năm 2002; Nghệ nhân Dân gian Việt Nam năm 2009; Bằng vinh danh thương hiệu làng nghề… Năm 2016, ông vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ.
Chia sẻ về niềm vui này, ông Thuấn cho hay: Được phong tặng Nghệ nhân Ưu tú là niềm vinh dự cùng là trách nhiệm. Tôi mong muốn đem những gì đã học từ ông cha mình truyền lại cho lớp trẻ nhằm phát huy hơn nữa giá trị truyền thống của làng nghề.
Vũ Duy Thuấn là 1 trong 2 người được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ năm 2016 của tỉnh Nam Định. Ông hiện đang giữ nhiều bí quyết nghề độc đáo, trong đó có kỹ thuật đúc tượng đồng tư thế đứng nghiêng góc 49 độ. |