Vũ Duy Thuấn - Nghệ nhân bàn tay vàng (15/09/2011)

Sinh ra và lớn lên ở làng Tống Xá, rồi lập nghiệp tại làng Vạn Điểm, hai làng nghề đúc đồng có từ lâu đời ở huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, Vũ Duy Thuấn ngấm trong mình những nét đẹp văn hoá, những tinh hoa của nghệ thuật đúc đồng.

Vũ Duy Thuấn - Nghệ nhân bàn tay vàng (15/09/2011)

Trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nghệ nhân Vũ Duy Thuấn tự hào và vinh dự được tham gia hai công trình trọng điểm quốc gia đặt tại Thủ đô Hà Nội, đó là tượng đài Thánh Gióng, nặng 95 tấn, trên núi Đá Chồng (Sóc Sơn); tượng đài Hoà Bình, nặng 20 tấn, cao 9,7m, đặt tại công viên Hoà Bình (Từ Liêm). Không thể kể hết những tác phẩm mà anh đã làm trong thời gian qua, nhưng bức tượng đồng liền khối Phật tổ Như Lai lớn nhất ở Việt Nam nặng 30 tấn, đặt trên núi Sóc Sơn đánh dấu thành công những ngày đầu lập nghiệp của anh. Và cũng từ đó, đúc tượng đồng khối lớn đã trở thành điểm mạnh của cơ sở đúc đồng Thuấn Dung của anh và mở ra hướng đi mới cho cả làng nghề.

Luôn tự khẳng định mình bằng vượt qua những thử thách, anh dũng cảm đảm nhận những công trình mà chưa ai từng làm trước đó hoặc đã làm nhưng không thành công. Bức tượng Thánh Gióng là một điển hình. Với chiều cao 11,07m, bức tượng vươn ra 16m ở thế bay với góc nghiêng 35 độ, đặt trên đỉnh núi cao 3.600m so với mặt nước biển, chịu tác động rất lớn của gió, bão nên việc tính toán kết cấu, chịu lực phải thật chính xác, khoa học, bảo đảm độ an toàn cũng như tính bền vững của bức tượng. Tác phẩm đã được Hội đồng Nghệ thuật tượng đài Thánh Gióng đánh giá cao về quá trình thi công và đảm bảo các đường nét chạm khắc trên khuôn mặt của Thánh Gióng giữ được như thiết kế ban đầu.

Chất lính trong anh vẫn vẹn nguyên như thời còn quân ngũ. Vẫn chỉn chu, vẫn quy củ giờ giấc, hàng ngày, hai buổi đều đặn anh ra xưởng giám sát và trực tiếp làm cùng anh em công nhân. Dưới cái nắng trưa hè oi bức, bên những lò than đá lửa bốc ngùn ngụt, giữa tiếng búa inh tai, tiếng các loại máy cơ khí, anh nhanh nhẹn đi lại chỉ huy, nhắc nhở từng việc cụ thể. Đôi mắt anh ánh lên màu của những tia lửa rực hồng, trong huyết quản anh là sự đam mê như những dòng đồng nóng chảy, sục sôi. Công đoạn quan trọng nhất và cũng quyết định nhất trong quá trình sản xuất là lúc rót đồng vào khuôn. Cả trăm người thợ phải tuân theo hiệu lệnh của người chỉ huy. Khi nước đồng đầy các lù, giờ phút thiêng liêng đã đến, đồng được trút vào khuôn, mau lẹ và chính xác.

Anh tâm sự: "Điều quan trọng và khó khăn đối với người thợ đúc đồng là làm được những sản phẩm có hồn, sinh động. Bởi vậy, phải biết yêu nghề, phải biết thổi cái nhiệt huyết vào từng tác phẩm của mình". Từ những bí quyết nhà nghề được cụ Nguyễn Văn Tố, thân sinh của vợ anh - chị Nguyễn Thị Dung, tin cậy truyền cho, cộng với ý thức luôn tìm tòi, học hỏi kỹ thuật cũng như văn hoá truyền thống, Vũ Duy Thuấn đã gây dựng uy tín và danh tiếng cho cơ sở đúc đồng của gia đình. Từ xa xưa, ông cha ta đã lấy đồng làm chất liệu để lưu giữ các giá trị văn hoá truyền thống như trống đồng, tứ đại kim khí... Ý thức được điều đó, CCB Vũ Duy Thuấn luôn lấy chất lượng công trình làm mục tiêu để hướng tới, góp phần vào việc lưu giữ các tác phẩm có giá trị văn hoá truyền thống, lịch sử của đất nước. Năm 2004, cơ sở đúc đồng của Vũ Duy Thuấn được Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về thăm. Anh còn được Bộ Khoa học - Công nghệ và Môi trường trao tặng Cúp "Nghệ nhân bàn tay vàng", cùng nhiều bằng khen, giấy khen.

Từng chiến đấu giúp bạn trên chiến trường Cam-pu-chia 10 năm 9 tháng, từng phải lăn lộn với nhiều nghề để kiếm sống sau khi nghỉ hưu năm 1997 với quân hàm thiếu tá, nay đã là chủ một doanh nghiệp thành đạt, nghệ nhân Vũ Duy Thuấn vẫn giữ riêng cho mình sự giản dị, chân chất như loại đồng nguyên chất có vẻ ngoài mộc mạc nhưng thời gian và sự khắc nghiệt của khí hậu chỉ càng làm tôn thêm giá trị của mỗi tác phẩm được làm từ chất đồng ấy.

*Bài và ảnh: HỒ HƯƠNG * - Nguồn: http://cuuchienbinh.vn/

 Đăng ký báo giá